Người BỊ TĂNG HUYẾT ÁP cần lưu ý 3 điều này khi THỜI TIẾT NẮNG NÓNG | Dr Ngọc
Người bị tăng huyết áp cần lưu ý gì khi thời tiết nắng nóng như thế này là một câu hỏi được Dr Ngọc nhận được khá nhiều trong nhiều ngày qua. Bởi thời tiết nắng nóng dễ gây nguy cơ tăng huyết áp, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Trong bài viết hôm nay Dr Ngọc sẽ chia sẻ với mọi người về những điều cần lưu ý khi bị tăng HA vào thời điểm nóng như hiện tại. Hãy cùng Dr Ngọc theo dõi hết bài viết hôm nay nhé!
1. Nắng nóng ảnh hưởng thế nào đến người bị tăng huyết áp?
Vào mùa hè, nhiệt độ cao có thể khiến cơ thể dễ mất nước và dẫn đến tình trạng máu cô đặc. Bên cạnh đó, việc di chuyển liên tục giữa môi trường nhiệt độ chênh lệch, như ngoài trời và phòng điều hòa, có thể gây co mạch (tăng huyết áp) hoặc giãn mạch (tụt huyết áp). Sự chênh lệch nhiệt độ này cũng có thể gây tụt HA, khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ tai biến xuất huyết não hoặc nhồi máu não. Do đó, người bị tăng HA cần thận trọng hơn trong thời tiết nắng nóng.
2.Những lưu ý dành cho người bị tăng huyết áp trong thời tiết nắng nóng như thế này
Người bị tăng HA cần đặc biệt thận trọng trong mùa hè. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng:
- Tuân thủ phác đồ điều trị và uống thuốc đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ.
- Khi thời tiết nắng nóng, tránh đứng hoặc làm việc quá lâu ngoài trời.
- Hạn chế thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột. Nếu đang ở trong phòng điều hòa, không nên ra ngoài trời nắng ngay mà nên để cơ thể thích nghi dần bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa hoặc nghỉ ngơi ở nơi có bóng mát trước khi ra ngoài.
- Sử dụng điều hòa ở mức 28 độ C khi trời nóng.
- Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia. Tập thể dục thường xuyên và có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.
- Đo huyết áp vào buổi sáng trước khi ngủ dậy, sau khi uống thuốc 1 giờ hoặc bất cứ lúc nào cảm thấy chóng mặt, đau đầu.
3. Cách xử trí khi mà cơn huyết áp đang tăng cao lên một cách đột ngột
Thời tiết nắng nóng có thể gây ra các cơn tăng huyết áp đột ngột ở người bệnh tăng HA. Sự thay đổi thời tiết ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khiến người bệnh khó ngủ và dễ gặp cơn tăng HA vào sáng hôm sau. Các cơn tăng huyết áp thường đạt khoảng 180 – 200mmHg, dẫn đến triệu chứng chóng mặt hoặc yếu nhẹ nửa người. Đây là dấu hiệu rất nguy hiểm vì có thể gây co mạch, xuất huyết não, nhồi máu não, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Khi gặp tình trạng huyết áp tăng bất thường vào buổi sáng, người bệnh cần bình tĩnh và uống thuốc trước khi ăn sáng. Trường hợp này không nhất thiết phải uống sau khi ăn như thông thường. Sau 1 giờ, cần kiểm tra lại HA, nếu vẫn cao thì nhanh chóng đến cơ sở y tế.
Nếu đang di chuyển hoặc làm việc ngoài trời nóng và gặp tình trạng HA tăng cao đột ngột, cần đưa người bệnh vào nơi có bóng mát để nghỉ ngơi. Sử dụng máy đo huyết áp, nếu mức huyết áp là 140/60mmHg, người bệnh có thể dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu HA trên 160mmHg, cần liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn.
Tăng huyết áp và đái tháo đường thường đi cùng nhau, do đó, người bệnh cần thăm khám thường xuyên và tuyệt đối không bỏ thuốc. Cần tăng cường ăn rau xanh, hạn chế mỡ động vật và tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Nhiều trường hợp người bệnh tăng HA bỏ thuốc khi thấy tình trạng bệnh ổn định, dẫn đến các biến chứng như yếu liệt nửa người, tai biến, suy thận. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng khiến bệnh nhân ngại thăm khám và tự ý mua thuốc, gây nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để bảo vệ sức khỏe.
4.Cách dự phòng tình trạng bệnh tăng huyết áp tại nhà
Việc kiểm tra huyết áp thường xuyên là cách quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tăng HA. Mọi người cần đo HA định kỳ thông qua các buổi khám sức khỏe hoặc kiểm tra tại các cơ sở y tế. Các máy đo huyết áp điện tử cá nhân là công cụ hiệu quả giúp những người mắc tăng HA và những người có nguy cơ kiểm tra huyết áp của mình và người thân thường xuyên.
Bệnh tăng huyết áp có thể phòng ngừa hiệu quả và duy trì ở mức lý tưởng 120/80 mmHg thông qua các biện pháp thay đổi lối sống lành mạnh:
- Chế độ ăn hợp lý: Giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày); tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn nhiều cholesterol và axit béo no; đảm bảo đủ kali và các vi chất.
- Duy trì cân nặng lý tưởng: Giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9 và vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ. Tích cực giảm cân nếu thừa cân.
- Hạn chế uống rượu, bia: Ít hơn 3 cốc chuẩn/ngày (nam) và 2 cốc chuẩn/ngày (nữ), tổng cộng ít hơn 14 cốc/tuần (nam) và 9 cốc/tuần (nữ). Một cốc chuẩn chứa 10g ethanol, tương đương 330ml bia, 120ml rượu vang, hoặc 30ml rượu mạnh.
- Ngừng hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
- Tăng cường hoạt động thể lực: Tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
- Tránh lo âu và căng thẳng thần kinh: Chú ý thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột.
Người bị tăng huyết áp cần được khám sàng lọc và phát hiện sớm. Ngoài các biện pháp thay đổi lối sống, bệnh nhân cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm nguy cơ biến chứng và duy trì mức huyết áp ổn định.
Liên hệ với Dr Ngọc:
- Nhắn tin: http://m.me/drngoclaser
- Blog: https://drngoc.vn/
- Facebook: https://www.facebook.com/drngoclaser/…
- Email hợp tác: drngoclaser@gmail.com