5 Tác Hại Của Máu Nhiễm Mỡ Và Cách Phòng Ngừa Hiệu Quả | Dr Ngọc
Máu nhiễm mỡ, còn được gọi là tình trạng tăng cholesterol trong máu, là một căn bệnh nguy hiểm và rất phổ biến hiện nay. Không chỉ là một vấn đề sức khỏe thông thường, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của tim mạch, gan và thận. Bất cẩn trong việc kiểm soát và điều trị máu nhiễm mỡ có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc cho bản thân.
Điều này đặt ra một trách nhiệm quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe và đòi hỏi sự chú tâm và hành động kịp thời từ mỗi người bệnh để tránh những biến chứng nguy hiểm không cần thiết.
Trong bài viết hôm nay Dr Ngọc sẽ chia sẻ cho mọi người hiểu hơn về tác hại của máu nhiễm mỡ và cách dự phòng hiệu quả. Hãy cùng Dr Ngọc tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!
1. Đặc điểm của bệnh máu nhiễm mỡ
Cholesterol và triglyceride là hai thành phần cơ bản của mỡ máu. Trong đó cholesterol có 3 loại là cholesterol tốt, cholesterol xấu và cholesterol toàn phần.
1.1 Đặc điểm của cholesterol
Cholesterol, là một loại chất béo tồn tại trong màng tế bào của mọi mô tổ chức trong cơ thể, được vận chuyển qua huyết tương. Đây là một hợp chất quan trọng, trong đó một thành phần đáng kể được tổng hợp bởi gan từ các chất béo bão hòa và phần nhỏ hấp thu từ các thức ăn hàng ngày của chúng ta, như trứng, thịt, sữa, mỡ động vật, bò, tôm và cá.
Cholesterol có đặc điểm là không tan trong nước, do đó không thể tự di chuyển trong máu. Để vận chuyển được, cơ thể cần sự giúp đỡ của lipoprotein, một loại hợp chất được gan sản xuất và có khả năng tan trong nước để mang theo cholesterol.
Cholesterol đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của màng tế bào, cung cấp nguyên liệu cho việc sản xuất nội tiết tố và cũng là một phần của muối mật. Cholesterol có hai dạng chính: cholesterol tốt (HDL-C) đảm nhận vai trò làm cho thành mạch mềm mại để lưu thông máu hiệu quả đồng thời cũng có khả năng bảo vệ chúng, và cholesterol xấu (LDL-C) góp phần vào sự hình thành xơ vữa trong thành động mạch.
1.2 Đặc điểm của triglyceride
Triglyceride là một dạng chất béo được tạo ra khi có sự dư thừa axit béo không được chuyển hóa thành cholesterol trong gan. Khi gan tiếp nhận các axit béo tự do và có nhiều hơn so với cần thiết cho việc sản xuất cholesterol chúng sẽ biến đổi thành triglyceride. Sau đó, tại gan, triglyceride sẽ kết hợp với chất apoprotein và được đưa ra khỏi gan dưới dạng lipoprotein có tỉ trọng thấp.
2. Tác hại của máu nhiễm mỡ
2.1 Máu nhiễm mỡ ảnh hưởng đến tim mạch
Nồng độ mỡ máu tăng cao là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh xơ vữa động mạch máu. Khi máu tăng cao, đặc biệt là khi tình trạng này kéo dài nó có thể dẫn đến hẹp động mạch máu từ đó hạn chế lượng máu cung cấp cho tim.
Điều đáng lưu ý, nếu cả chỉ số cholesterol và triglyceride đều tăng thì nguy cơ bệnh trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều. Tình trạng này thúc đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim thậm chí là gây tử vong.
2.2 Máu nhiễm mỡ gây đột quỵ não
Sự tăng cao của nồng độ mỡ máu, đặc biệt là những người có tình trạnh tăng cholesterol, tạo điều kiện cho sự lắng đọng của mảng xơ vữa trong thành mạch. Mảng xơ vữa này có thể tự di chuyển từ những vị trí khác nhau trong cơ thể hoặc hình thành ngay tại các mạch máu trong não. Kết quả của quá trình này là làm hẹp đường máu và giảm lưu lượng máu tuần hoàn đến não, gây ra tình trạng thiếu máu não.
Nếu tình trạng này trở nên nghiêm trọng, có thể dẫn đến tắc nghẽn động mạch trong não, gây ra đột quỵ. Đáng chú ý, nhiều thống kê đã chỉ ra rằng có đến 93% bệnh nhân mắc bệnh đột quỵ não đã có tiền sử rối loạn về mỡ máu.
2.3 Máu nhiễm mỡ ảnh hưởng đến huyết áp
Tình trạng máu nhiễm mỡ tăng cao gây ra sự hình thành các mảng xơ vữa, làm cho các động mạch trở nên hẹp hơn, mất tính đàn hồi và tạo ra áp lực cao hơn trên thành mạch máu.
Để đảm bảo rằng cơ thể nhận đủ lượng máu cần thiết cho các hoạt động hàng ngày, tim phải hoạt động mạnh hơn. Điều này bao gồm việc tăng nhịp tim, tăng sức mạnh của sự co bóp cơ tim và tăng quá trình hấp thu nước trong cơ thể. Tất cả những điều này có thể dẫn đến tình trạng cao huyết áp, tạo ra một tình trạng sức khỏe đáng lo ngại.
2.4 Máu nhiễm mỡ gây ra bệnh gan nhiễm mỡ
Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh máu nhiễm mỡ là chế độ ăn uống không cân đối. Khi chúng ta tiêu thụ thức ăn, toàn bộ năng lượng và chất béo trong thực phẩm đều được xử lý qua gan, đây cũng là nơi tích tụ chất béo gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.
Bệnh gan nhiễm mỡ xảy ra khi sự tích tụ chất béo trong gan vượt quá 5% trọng lượng của nó. Mặc dù bệnh này không có những triệu chứng rõ ràng nhưng theo thời gian nó có thể gây suy giảm chức năng cảu gan và tạo điều kiện cho sự phát triển của nhiều bệnh lý về gan và mật.
2.5 Máu nhiễm mỡ làm giảm chức năng sinh lý
Mỡ máu cao không chỉ ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể mà còn có tác động đáng kể đến chất lượng đời sống tình dục của cả nam và nữ. Các thống kê để chỉ ra rằng, có khoảng 80% nam giới mắc bệnh tăng cholesterol máu trải qua các vấn đề về rối loạn cương dương, điều này thường xuất hiện sớm hơn so với các biến chứng về tim mạch do máu nhiễm mỡ gây ra. Ngoài ra, tình trạng cholesterol tăng cao cũng có thể làm giảm ham muốn tình dục ở phụ nữ.
Một điểm đáng chú ý là trước đây bệnh máu nhiễm mỡ thường xảy ra với người cao tuổi những căn bệnh này hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa ngày càng cao. Thậm chí, đã có ghi nhận trường hợp bệnh máu nhiễm mỡ chỉ mới ở độ tuổi 20. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ mắc bệnh mỡ máu trong tương lại là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.
3. Cách phòng ngừa bệnh máu nhiễm mỡ
Để đề phòng bệnh máu nhiễm mỡ thì việc duy trì một chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh vô cùng quan trọng. Điều này đòi hỏi bạn biết hạn chế việc tiêu thụ các món ăn chiên xào dầu mỡ, thực phẩm từ nội tạng động vật, thịt đỏ và da động vật. Hãy cố gắng loại bỏ thói quen hút thuốc lá và hạn chế việc uống rượu bia.
Thay vào đó, hãy tích hợp một chế độ ăn uống khoa học hơn, hãy bổ sung các loại dầu thực vật như dầu oliu và dầu đậu nành, thay thế thịt bằng cá, một nguồn protein tốt cho sức khỏe. Hãy tăng cường tiêu thụ rau xanh và trái cây để cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa và loại bỏ độc tố.
Ngoài chế độ ăn uống hợp lý thì việc thực hành thể dục thể thao đều đặn cũng rất quan trọng. Hãy dành thời gian mỗi ngày cho việc đi bộ, chơi cầu lông, đọc sách hoặc tập yoga để duy trì sức khỏe và sự linh hoạt của cơ thể.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất là bạn cần thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng của máu nhiễm mỡ. Từ đó các chuyên gia y tế có thể tư vấn, thăm khám và đề xuất các biện pháp điều trị phù hợp, giúp giảm thiểu nguy cơ và hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra đối với việc máu nhiễm mỡ tăng cao.
Liên hệ với Dr Ngọc:
- Nhắn tin: http://m.me/drngoclaser
- Blog: https://drngoc.vn/
- Facebook: https://www.facebook.com/drngoclaser/…
- Email hợp tác: drngoclaser@gmail.com