Hiểu về ung thư và các biện pháp dự phòng cùng Dr Ngọc
Hiện nay, khi nhắc đến ung thư thì ai cũng thấy lo lắng và băn khoăn cho sức khỏe của mình. Đây là một trong những căn bệnh gia tăng khá nhanh và mang mang lại tỷ lệ tử vong cao. Vậy cụ thể về tình trạng ung thư như thế nào và biện pháp phòng tránh? Mời bạn cùng Dr Ngọc tìm hiểu chi tiết trong bài viết cụ thể dưới đây.
Giải mã về ung thư là gì?
Trong nhiều năm gần đây bệnh ung thư gia tăng nhanh đã trở thành gánh nặng đối với toàn xã hội, là mối đe dọa lớn đến sức khỏe của mỗi chúng ta. Ung thư là bệnh xảy ra khi xuất hiện tế bào bất thường, phát triển không kiểm soát và tập hợp tạo thành khối u. Các tế bào ung thư sẽ xâm lấn và phá hủy các mô cơ thể bình thường, bắt đầu từ cơ quan nguyên phát cho đến toàn cơ thể. Ung thư không phải là một bệnh mà là tên chung của một tập hợp rất nhiều bệnh có những đặc tính cơ bản giống nhau của bệnh ung thư.
Hầu hết bệnh ung thư không có triệu chứng lâm sàng giai đoạn khởi phát nên chỉ phát hiện sớm khi khám sàng lọc hoặc vô tình khám bệnh ở cơ quan liên quan. Các loại ung thư phổ biến hiện nay gồm: ung thư gan, ung thư cổ tử cung (ở nữ giới), ung thư máu, ung thư tuyến giáp, ung thư tuyến tụy, ung thư đại tràng và trực tràng…
Nguyên nhân gây ung thư?
Ngày nay chúng ta đã biết rõ ung thư không phải do một nguyên nhân gây ra. Tùy theo mỗi loại ung thư mà có những nguyên nhân riêng biệt. Một tác nhân sinh ung thư có thể gây ra một số loại ung thư và ngược lại một loại ung thư có thể do một số tác nhân khác nhau. Có 3 nhóm tác nhân chính gây ung thư là tác nhân vật lý, tác nhân hoá học và cuối cùng tác nhân sinh học.
- Về tác nhân vật lý: tác nhân vật lý có thể kể đến như bức xạ ion hóa (nguồn tia phóng xạ phát ra từ các chất phóng xạ tự nhiên hoặc từ nguồn xạ nhân tạo được dùng trong khoa học và y học có khả năng ion hóa vật chất khi bị chiếu xạ), bức xạ cực tím (tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời, tác nhân này chủ yếu gây ra ung thư ở da).
- Về tác nhân hóa học: do thuốc lá (nguyên nhân của khoảng 90% ung thư phế quản, ung thư vùng mũi họng, ung thư tụy, ung thư đường tiết niệu), dinh dưỡng (dinh dưỡng đóng vai trò khoảng 35 % trong các nguyên nhân gây bệnh ung thư, nhiều bệnh ung thư có liên quan đến dinh dưỡng như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư vòm mũi họng, ung thư vú, ung thư nội tiết…), ung thư nghề nghiệp (trong môi trường nghề nghiệp con người tiếp xúc với bức xạ ion hóa, virut, các hóa chất được sử dụng. Các ung thư do nghề nghiệp thường xảy ra ở da, cơ quan hô hấp, đường tiết niệu,…).
- Tác nhân sinh học: do virut ung thư (virut Eptein – Barr, virut viêm gan B, virut gây u nhú thường truyền qua đường sinh dục, virut HTLV1), do ký sinh trùng và vi trùng có liên quan đến ung thư (sán Schistosoma).
Các biện pháp dự phòng bệnh ung thư
Dự phòng bệnh ung thư với mục đích giảm tối đa tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư gây ra nói chung. Ước tính có khoảng 50% các loại ung thư có thể phòng ngừa được. Các bước để có thể dự phòng bao gồm:
- Bước 1: là phương pháp phòng ngừa ban đầu để loại trừ hoặc giảm tối đa sự tiếp xúc với các chất gây ung thư để phòng không cho xảy ra sự khởi phát và khởi động bệnh ung thư. Muốn dự phòng ung thư tốt phải dựa vào 2 yếu tố dịch tễ học và nguyên nhân sinh ung thư. Các biện pháp dự phòng và sàng lọc bệnh ung thư chỉ nên được áp dụng cho những loại ung thư có tỷ lệ mắc cao trong cộng đồng. Một số phương pháp phòng ngừa như không hút thuốc, không uống rượu, bảo hộ lao động tốt khi làm công tác phóng xạ, dinh dưỡng phù hợp, tích cực hoạt động thể lực. Đây là bước phòng bệnh ung thư tích cực nhất mà chúng ta cần thực hiện.
- Bước 2: là phương pháp sàng lọc và phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh, dấu hiệu của một tình trạng tiền ung thư như sàng lọc phát hiện ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư đại trực tràng… Quá trình sàng lọc này chỉ có hiệu quả ở trên một số bệnh có những phản ứng đặc hiệu, nhưng là chiến lược duy nhất có khả năng làm giảm tỷ lệ tử vong trong ung thư.
- Bước 3: là tìm biện pháp điều trị có kết quả nhằm mục đích kéo dài số năm sống thêm của những người mắc ung thư.
Ngoài ra, chúng ta cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ để phòng được các bệnh mà khi mắc rất dễ tiến triển thành ung thư như: tiêm phòng viêm gan vi rút B, tiêm phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung…
Đa phần bệnh nhân ung thư tại Việt Nam đều được phát hiện ở giai đoạn muộn, vì vậy tỷ lệ điều trị khỏi bệnh thấp, chi phí điều trị tăng cao. Bệnh ung thư không chỉ là gánh nặng của bệnh nhân và gia đình mà còn là gánh nặng rất lớn cho toàn xã hội. Vì vậy, mỗi chúng ta cần tuân thủ chế độ ăn uống và lối sống khoa học, lành mạnh để chủ động bảo vệ sức khỏe của mình đối với các loại bệnh tật trong đó có bệnh ung thư.
Video chia sẻ của Dr. Ngọc về ung thư và các biện pháp dự phòng cập nhật 2021:
Trên đây là tất cả các chia sẻ của Dr. Ngọc về bệnh ung thư. Nếu có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin hay đặt câu hỏi về ung thư, hãy để Dr Ngọc giúp bạn bằng việc comment ở dưới bài viết.